Bình Hải: Tích tụ để không bỏ hoang ruộng đất

Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình xuất hiện tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất. Không nằm ngoài thực trạng này, tại xã Bình Hải, nhiều diện tích đất người dân không sản xuất, cây lát mọc, chuột sinh sôi ngày càng nhiều. Để khắc phục tình trạng này, vụ đông xuân 2020 – 2021, xã Bình Hải triển khai thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất tại cánh đồng gần 21 ha ở tổ 3, thôn Hiệp Hưng.

​Cây lúa đông xuân 2020 – 2021 trên cánh đồng tích tụ tập trung ruộng đất ở Bình Hải đang phát triển tốt.       

Canh tác 3 sào đất tại cánh đồng này, trước đây, mỗi năm ông Nguyễn Chúc (83 tuổi, ở thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải) đều làm hai vụ lúa. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều hộ dân ở đây bắt đầu bỏ hoang ruộng đất để làm những công việc khác. Cũng bắt đầu từ đây, cỏ lát xâm lấn, tạo điều kiện cho chuột phát sinh gây hại. Cứ thế, diện tích bỏ hoang trên cánh đồng này ngày càng nhiều. Vụ đông xuân 2020 – 2021, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bình Hải đứng ra thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, ông Nguyễn Chúc rất ủng hộ, giao đất cho HTX sản xuất. Ông Nguyễn Chúc cho biết, chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất không chỉ mình tôi ủng hộ, mà 126 hộ dân thôn Hiệp Hưng (Bình Hải) có đất ở cánh đồng này đều ủng hộ, ký vào hợp đồng cho HTX nông nghiệp Bình Hải thuê đất để thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất.

Những năm gần đây, cùng với sự hình thành và phát triển của các khu, cụm công nghiệp lân cận như: Hà Lam – Chợ Được, Tam Thăng (Tam Kỳ) những lao động trẻ ở xã Bình Hải dần chuyển sang làm công nhân. Lao động nông nghiệp ở đây chủ yếu là người lớn tuổi. Chính vì vậy, việc bỏ đất, không sản xuất ngày càng nhiều, và tình trạng này có nguy cơ lan rộng. Vụ đông xuân 2020 - 2021, UBND xã Bình Hải giao cho HTX nông nghiệp Bình Hải triển khai thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất trên cánh đồng gần 21 ha ở thôn Hiệp Hưng. Anh Trần Đăng Cảnh - Giám đốc HTX nông nghiệp xã Bình Hải cho biết, khi thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, HTX đã liên kết với Công ty giống Thái Bình để sản xuất lúa giống Hương thơm 1 mỗi năm 2 vụ. “Những thửa ruộng ở đây có diện tích nhỏ, lại sình lầy, nếu người dân tự sản xuất thì chi phí cao, ít lợi nhuận. HTX đứng ra tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết với công ty để sản xuất giống và đưa máy móc vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, HTX và người dân đều có lợi” – anh Trần Đăng Cảnh nói.

Ông Hoàng Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải (Thăng Bình) cho biết, qua khảo sát thì toàn xã có 29,7 ha đất bỏ hoang, toàn bộ diện tích này bị sình lầy, ngập nước hoặc khô hạn, rất khó sản xuất. Vụ đông xuân 2020 - 2021 HTX nông nghiệp Bình Hải đã tích tụ tập trung ruộng đất được gần 21 ha và vừa cấy xong, đảm bảo đúng tiến độ, cây lúa đang phát triển tốt. “Chủ trương của chúng tôi nếu làm thành công tại khu vực này sẽ tiếp tục nhân rộng ở những diện tích còn lại, phấn đấu khôi phục tất cả diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn xã đưa vào sản xuất” – ông  Hoàng Thanh Hùng nói.

Toàn xã Bình Hải hiện có hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp, không lớn so với các địa phương khác trên địa bàn huyện Thăng Bình; tuy nhiên, toàn bộ diện tích này đều không chủ động nước tưới, nên rất khó cho người dân sản xuất, nhất là vào vụ hè thu. Vì vậy, việc tích tụ tập trung ruộng đất, giao cho HTX sản xuất là xu thế tất yếu, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX sẽ có điều kiện đóng giếng bơm nước, làm bê tông kênh mương nội đồng, áp dụng máy móc vào sản xuất… Từ đó, việc sản xuất sẽ thuận lợi hơn, vừa đem lại lợi ích cho HTX và người dân có đất tham gia tích tụ. Đây là lợi ích kép mà Bình Hải đang hướng đến để giải quyết bài toán ruộng đất bị bỏ hoang lâu nay.